Đột phá công tác xuất khẩu lao động ở Cao Bằng
Lượt xem: 4575

Tết Đinh Hợi vừa qua, nhiều bà con dân tộc ở Cao Bằng đã đón một mùa xuân ấm cúng và đàng hoàng hơn bởi 150/189 xã thuộc 13 huyện trong tỉnh đã có trên 3.150 người đi lao động ngoài nước với thu nhập cao và ổn định. Có thể khẳng định công tác xuất khẩu lao động ở Cao Bằng thời gian qua mang tính đột phá

Tết Đinh Hợi vừa qua, nhiều bà con dân tộc ở Cao Bằng đã đón một mùa xuân ấm cúng và đàng hoàng hơn bởi 150/189 xã thuộc 13 huyện trong tỉnh đã có trên 3.150 người đi lao động ngoài nước với thu nhập cao và ổn định. Có thể khẳng định công tác xuất khẩu lao động ở Cao Bằng thời gian qua mang tính đột phá.

Từ một xã tiêu biểu ở Hoà An

Tiếp chúng tôi, anh Hoàng Quốc Phùng - Chủ tịch UBND xã Nam Tuấn, huyện Hoà An tự hào nói về tốc độ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương: Hiện Nam Tuấn có 1.200 hộ với trên 5.000 nhân khẩu, dân tộc Tày chiếm trên 90%, diện tích đất sản xuất 611 ha với 2 vụ lúa và 1 vụ cây thuốc lá. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người mới đạt trên 4 triệu đồng / người / năm, song tới nay, toàn xã có 103 người đi xuất khẩu lao động phần lớn là đi Đài Loan, Malaixia, Hàn Quốc và chủ yếu xuất cảnh trong 2 năm 2005 và 2006. Trước đây, bà con chỉ trông chờ vào cây lúa, cây thuốc lá để sống, tỷ lệ đói nghèo còn chiếm trên 50%, thì giờ đây, bộ mặt kinh tế ở địa phương dần được thay đổi với giá trị tổng sản lượng nông nghiệp, chăn nuôi đạt trên 20 tỷ đồng / năm, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm xuống còn 28,5%. Đặc biệt, một số hộ trước đây kinh tế rất khó khăn, nhưng được chính quyền địa phương tạo điều kiện để con em đi lao động ở nước ngoài nên đã cơ bản thoát nghèo, thậm chí còn có của ăn của để. "Chúng tôi đã tính, cứ 100 người của xã đi XKLĐ trong 2 năm cũng có thể gửi về 4 tỷ đồng, gần bằng giá trị sản lượng 2 vụ lúa của cả xã trong một năm. Với trình độ học vấn, tay nghề của con em địa phương, thật không làm gì lợi bằng đi lao động " - Chủ tịch xã nói vậy và tình nguyện làm "hoa tiêu" cho chúng tôi đi thực tế.

Bước vào ngôi nhà mái bằng khá khang trang, anh Hoàng Quốc Phùng giới thiệu qua, đây là một trong những trường hợp đi "tiên phong" trong XKLĐ và hiện nay đã trở thành một trong những gia đình có kinh tế khá giả ở địa phương. Anh Nông Văn Nghĩa, 43 tuổi người thôn Nà Ngoải, Nam Tuấn, anh vừa rót nước mời khách vừa vui vẻ kể lại: "Năm 1994, sau khi cưới vợ và có một con trai 2 tuổi, lúc đó kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bản thân phải ra Hà Nội làm thuê, làm mướn nhưng vẫn không đủ ăn. Được bạn bè giới thiệu, tôi nộp đơn và khám sức khoẻ đi lao động tại LiBi. Bốn tháng sau tôi có giấy gọi và làm thủ tục xuất cảnh. Không có tay nghề, tôi được xếp làm công nhân bốc vác tại một xí nghiệp sản xuất thức ăn gia súc với mức lương 180 USD / tháng. Sau 27 tháng lao động, tôi về nước và tiết kiệm được 3.500 USD về quê xây nhà và phụ việc đồng áng với vợ con. Đến năm 2000, được UBND xã tạo điều kiện, tôi lại tiếp tục đăng ký sang lao động tại một nhà máy dệt phía nam Hàn Quốc với mức lương 700 USD / tháng. Sau 2 năm chịu khó làm lụng và ăn dè để xẻn, khi về nước tôi dành dụm được 150 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi đã mua xe máy, máy cày tay để làm đất mảnh ruộng nhà và đi cày thuê cho bà con trong xóm, sắm sửa một số tiện nghi, ngoài ra, cũng còn có một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng để lo cho con cái sau này. Đặc biệt, chúng tôi có cậu con trai đầu lòng năm nay đang theo học lớp 11, cháu đang có nguyện vọng thi vào Trường Đại học Y dưới Hà Nội ".

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Hữu Giáng, 40 tuổi ở thôn Nà Khá có con gái Nguyễn Thị Tuyết, 20 tuổi, vừa hoàn thành xong khoá học định hướng đang chờ ngày xuất cảnh. Anh cho biết: "Gia đình hiện có 4 khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp mà chủ lực là cây thuốc lá, thu nhập cả nhà chỉ khoảng trên 10 triệu đồng / năm. Vừa qua được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách để lo chi phí cho cháu Tuyết sang lao động tại Malaixia. Theo thông báo, mức lương cháu được hưởng là 4 triệu đồng / tháng. Chúng tôi đã cam kết với ngân hàng sẽ trả đầy đủ các khoản vay và lãi ngay từ lúc cháu được sang bên nước bạn làm việc".

Khi được hỏi mục đích của việc đi xuất khẩu lao động Nguyễn Thị Tuyết tâm sự: "Cũng chính từ xuất phát điểm kinh tế gia đình thấp, cả nhà trông chờ vào nông nghiệp nên đủ ăn đã khá. Điều này đã hối thúc em phải làm một việc gì đó giúp đỡ bố mẹ . Hiện tại, ngoài việc hoàn thành xong khoá học định hướng, em còn tranh thủ theo học cấp tốc tiếng Malaixia và đang chờ giấy triệu tập của công ty Vinamex sang làm nghề may hoặc dệt ở nước bạn".

Chúng tôi còn đến nhà cô Nguyễn Thị Duyên, 28 tuổi ở xóm Đông Láng, người có hoàn cảnh éo le hơn rất nhiều. Năm 2000, chồng cô mất do cảm lạnh đột ngột, Duyên một mình phải nuôi một mẹ già và 3 đứa con thơ dại. Cuộc sống vốn đã không được an nhàn thì giờ đây lại càng chồng chất khó khăn. Muốn vay tiền ngân hàng để phát triển kinh tế cũng rất khó vì gia đình không có tài sản thế chấp. Trước tình thế này, may sao cô được họ hàng giúp đỡ bằng cách cho vay không lấy lãi và chính quyền xã quan tâm, năm 2005 Duyên được đi lao động xuất khẩu với thời hạn 3 năm, hiện cô đang làm việc cho một công ty may ở Malaixia.

Bà Đàm Thị Púp năm nay đã 72 tuổi, một tay lo ăn học cho 3 đứa cháu nội con của Duyên tâm sự: "Thời gian đầu khi mẹ các cháu mới đi, mỗi lúc dọn cơm tôi lại trào nước mắt vì cơm không đủ ăn, bà lại phải nhường cho các cháu. Vất vả là thế nhưng tôi hàng ngày vẫn bon chen kiếm sống bằng cách làm thuê, làm mướn nông nghiệp, cốt sao để các cháu không bị bỏ học. Khoảng 4 tháng sau, chị Duyên đã dành dụm được tiền gửi về nên mấy bà cháu cũng bớt khó khăn hơn. Hiện tại gia đình đã cơ bản trả được hết nợ cho họ hàng và đặc biệt tháng 10 năm 2006, Duyên gửi 12 triệu đồng về để cho bà cháu dựng được căn nhà này. Trong lá thư mới nhận được, mẹ các cháu có nói sẽ gửi tiền về cho mấy bà cháu mua ti vi khỏi phải đi xem nhờ và mua cho cháu lớn chiếc xe đạp đi học. Cứ nghĩ mà thương mẹ nó, nhưng nếu ở nhà thì có đâu được thế…".

Đến những định hướng của Cao Bằng

Có thể nói, công tác xuất khẩu lao động ở Cao Bằng mới được triển khai trên diện rộng từ năm 2004, nhưng đã thu được kết quả đáng khích lệ. Năm 2005 toàn tỉnh có 675 người đăng ký đi và 216 người chính thức sang làm việc (đạt 225% kế hoạch), vậy mà chỉ trong năm 2006, đã có tới 2.911 lao động được đi làm việc tại nước ngoài, tập trung chủ yếu ở thị trường Đài Loan, Malaixia, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong số lao động Cao Bằng tham gia xuất khẩu thì lao động nông thôn chiếm trên 90%, trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở chiếm 29%, tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên chiếm 71% và trong đó có 11,7% đã qua đào tạo nghề, 100% lao động được đào tạo, giáo dục định hướng. Hiện nay 13/13 huyện của tỉnh đã có người đi làm việc tại Malaixia, Hàn Quốc, Đài Loan và chủ yếu làm các nghề sản xuất, lắp ráp đồ điện tử, đồ nhựa, gỗ nội thất, may, dệt… Có một nhận xét chung là người lao động Cao Bằng ở các nước bạn đều có việc làm ổn định, cộng với sự cần cù, chịu khó nên đã sớm thích ứng được với tác phong công nghiệp, môi trường làm việc ngoài nước. Mức thu nhập của người lao động tại Malaixia, Các tiểu Vương quốc ả rập Thống nhất khoảng 3,5 - 6 triệu đồng / người / tháng; Đài Loan từ 6 - 8 triệu đồng; Hàn Quốc là14 triệu đồng. Ngoài các khoản sinh hoạt hằng ngày, người lao động bức đầu đã có sự tích luỹ và chuyển tiền về cho gia đình. Đối với các gia đình có con, em đi lao động xuất khẩu thì đây là số vốn quý báu để họ gửi về phát triển kinh tế gia đình, giúp bà con cải thiện đời sống và XĐGN bền vững.

Qua thực tế tuyển chọn ở Cao Bằng cho thấy, người có nhu cầu đi làm việc ngoài nước rất đông, tuy nhiên, số không đủ điều kiện về sức khoẻ và trình độ chiếm trên 22%. Và hiện tại Malaixia là thị trường phù hợp với trình độ, ngành nghề, qua đó, người nghèo tìm việc và phát triển kinh tế gia đình. Đối với thị trường Hàn Quốc, do phía bạn đòi hỏi về trình độ cao hơn nên từ năm 2005 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân chỉ tiêu lao động dự tuyển và UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai tuyển chọn lao động và phân chỉ tiêu cho từng huyện, thị. Tính đến cuối năm 2006, Cao Bằng đã có 285 lao động đang học tiếng Hàn Quốc và chờ ngày lên đường.

Riêng đối với công tác cho vay vốn, chỉ tính năm 2006 có trên 1.440 người được vay với tổng số tiền 43,9 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giải quyết cho 1.068 lao động thuộc diện chính sách với số tiền trên 21 tỷ đồng.

Hiện tại có 5 công ty được Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động Cao Bằng cho phép trực tiếp triển khai tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thời gian qua, các doanh nghiệp này cử cán bộ xuống tận các địa phương để tư vấn, tuyên truyền và hướng dẫn người lao động làm hồ sơ, thủ tục trước khi xuất ngoại. Các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc việc không thu tiền đặt cọc của người lao động. Thông qua các hội nghị, hội thảo các đơn vị này còn giúp bà con nắm được biện pháp, quy trình gửi tiền tiết kiệm về cho gia đình và cách thức trả tiền lãi suất vay ngân hàng. Đặc biệt, ghi nhận và động viên những cố gắng và kết quả bước đầu của Cao Bằng, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết định hỗ trợ 200 triệu đồng cho những lao động thuộc diện chính sách, là người dân tộc thiểu số, người nghèo trong việc đào tạo nghề, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cao Bằng đồng thời là Thường trực Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động tỉnh, cho biết: "XKLĐ là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người lao động góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương trong giai đoạn 2006 - 2010. Hiện tại, người lao động đã nhận thức được lợi ích và hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động. Nhiều gia đình có con em đi làm việc ngoài nước đã nhận được tiền do người thân gửi về bình quân mỗi năm khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình, Cao Bằng cũng còn một số khó khăn do một số địa phương vùng sâu vùng xa còn thiếu thông tin về XKLĐ, trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế... Để XKLĐ thực sự là thế mạnh của địa phương, thời gian tới, Cao Bằng sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát chặt chẽ trong công tác tuyển chọn lao động. Ngăn ngừa và xử lý kịp thời những vi phạm của các tổ chức, cá nhân môi giới, lừa đảo làm thiệt hại kinh tế đối với người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận thôn, bản và hướng dẫn người dân cần trau dồi kiến thức, tay nghề để đáp ứng ngày càng cao về nhu cầu sử dụng lao động của phía nước ngoài".

Chia tay Cao Bằng, trên mỗi nẻo đường mà một thời là vùng chiến khu cách mạng, chúng tôi thực sự nhận thấy một mùa xuân mới đang về.
Nguồn: www.caobang.gov.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1