Nâng cao hiệu quả các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2023
Lượt xem: 707

Chiều 25/5/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá và triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế năm 2022, nâng cao hiệu quả các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2023. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Đại biểu mời dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự có các đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) tỉnh; thành viên BCĐ thực hiện Đề án Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, Thành phố; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh.

anh tin bai

Các đại biểu dự Hội nghị

Theo báo cáo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Cao Bằng xếp hạng 63 trong bảng tổng sắp các tỉnh, thành trong cả nước với 59,58 điểm, tăng 3,29 điểm và giữ nguyên bậc so với năm 2021 nằm trong nhóm thấp trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, Cao Bằng có 07/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 gồm: (1) Chi phí gia nhập thị trường tăng 0,1 điểm; (2) Tiếp cận đất đai tăng 0,27 điểm; (3) Chi phí thời gian tăng 0,39 điểm; (4) Chi phí không chính thức tăng 1,25 điểm; (5) Tính năng động tăng 0,34 điểm; (6) Đào tạo lao động tăng 0,14 điểm; (7) Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự tăng 0,65 điểm.

Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC (PAR INDEX) cấp tnh năm 2022 được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100 điểm. Năm 2022 có 34 tỉnh, thành phố đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình cả nước; 58 địa phương đạt kết quả trên 80%, trong số đó có 02 địa phương đạt kết quả trên 90%. Ngoài ra, còn có 05 địa phương cho kết quả dưới 80%. Có 09 địa phương có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2021, tăng cao nhất là Kiên Giang (+4,33%); Cao Bằng giảm (-5,34%); 54 địa phương có chỉ số giảm, giảm nhiều nhất là Bắc Ninh (-7,10%). Tỉnh Cao Bằng đạt 77,55/100 điểm, Chỉ số PAR-INDEX đạt 77,55%.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được thực hiện bằng cách lấy mẫu phỏng vấn trực tiếp người dân tại 63 tỉnh, thành phố, sau đó tính điểm cụ thể và xếp hạng theo 05 nhóm là: Cao nhất, Trung bình cao, Trung bình thấp, Thấp nhất và Khuyết dữ liệu. PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần. Các chỉ số nội dung của PAPI gồm: (1) Tham gia của người dân tại cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) Thủ tục hành chính công; (6) Cung ứng dịch vụ công; (7) Quản trị môi trường; và (8) Quản trị điện tử. Tổng điểm tối đa của PAPI là 80 điểm chia đều cho 08 chỉ số nội dung. Trên cơ sở dữ liệu được công bố, chỉ số PAPI năm 2022 tỉnh Cao Bằng đạt 38,80 điểm; xếp hạng thứ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 02 bậc so với năm 2021.

Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 74,81%, xếp thứ hạng 62/63 (tăng 01 bậc so với năm 2021).

anh tin bai

Lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu thảo luận

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến kết quả các chỉ số đạt thấp. Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại để đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao các chỉ số. Kiến nghị các cấp, ngành cần ban hành kế hoạch nâng cao các chỉ số ngay từ đầu năm; quyết liệt thực hiện nhiệm vụ CCHC và đẩy mạnh trách nhiệm của các cấp, ngành; gắn nhiệm vụ CCHC với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp về áp dụng, triển khai dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh công khai, minh bạch để người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn; nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện giải quyết TTHC, nhất là trong lĩnh vực đất đai; có cam kết tăng điểm đối với các chỉ số chưa đạt… UBND tỉnh tăng cường nhân lực cho Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố; Chỉ đạo các ngành liên quan đơn giản hóa thủ tục hành chính; bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ CCHC của địa phương.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh CCHC; hoàn thành mục tiêu Kế hoạch CCHC tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch CCHC năm 2023; Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; gắn kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến CCHC với trách nhiệm của các ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Thực hiện nghiêm nội dung Công văn số 1041/UBND-NC ngày 28/4/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, triển khai các giải pháp thiết thực để tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và thực hiện tiếp nhận, trả  kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số, dữ liệu số. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; chỉ đạo theo dõi hướng dẫn Tổ Công nghệ số cộng đồng đạt kết quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị tiên phong, gương mẫu sử dụng các nền tảng số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Dương Liễu

Tin khác
1 2 3 4 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1