Mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2008
Lượt xem: 229

Báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu KT-XH năm 2007

Báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu KT-XH năm 2007, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2008 chỉ rõ, năm 2007 là năm có ý nghĩa quan trọng tạo đà cho thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kế hoạch KT-XH 5 năm giai đoạn 2006-2010 của tỉnh. Ngay từ đầu năm các ngành, các cấp đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, nhiều mục tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Cụ thể, nhịp độ tăng trưởng kinh tế GDP 12,2%/12%; GDP bình quân đầu người đạt 390/390 USD; Tổng mức đầu tư toàn xã hội 1.838/1.780 tỷ đồng; Tổng sản lượng lương thực có hạt 230,29/206 ngàn tấn, bằng 111,7% kế hoạch, tăng 16,4% so với năm 2006; Thu ngân sách trên đại bàn ước đạt 243,463/225,5 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 174,118/162,5 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 69,345/63 tỷ đồng; Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 43/40 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 9.700/9.000 lao động; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 39,28/41,5% (giảm 2,4%); tỷ lệ che phủ rừng 50/50%;… .

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2007, HĐND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 19/2007/NQ-HĐND, ngày 12/12/2007 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008. Với mục tiêu chung là: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đa dạng hoá các hình thức thu hút vốn đầu tư và các loại hình đầu tư, tận dụng tốt nội lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo; thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo vươn lên, tạo điều kiện cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được hưởng tốt hơn nữa các dịch vụ công của Nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, trong sạch, dân chủ, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập dân tộc và trật tư an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, vùng biên giới, tạo môi trường chính trị ổn định cho phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, các cấp ngành cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá và chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu của ngành trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng vùng; đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật. Phát triển chăn nuôi nhất là chăn nuôi bò theo hướng hiệu quả, bền vững và an toàn, khuyến khích phát triển và hình thành vùng chăn nuôi tập trung. Tăng tỷ lệ giống mới có năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kiên cố hoá kênh mương, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất. Thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dịch hại cây trồng. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm. Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phá hoại rừng. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến và tiêu thụ nông sản.

2. Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, hạ giá thành các sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ, coi trọng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hoá. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp, thuỷ điện bằng cách thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng cho dự án.

3. Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng KT-XH, phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới. Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các vùng, ngành kinh tế trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đổi mới công tác quản lý đầu tư. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư, quản lý sử dụng các nguồn vốn xây dựng các công trình để nâng cao chất lượng và hạn chế thất thoát. Nâng cao năng lực các đơn vị tư vấn. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tự bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

4. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện quy hoạch. Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai ở mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Chính phủ để thu hút các nhà đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đô thị, đặc biệt là thị xã Cao Bằng. Quản lý chặt chẽ đất đai, đặc biệt là đất xây dựng nhà ở đô thị, khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch.

5. Đảm bảo nguồn vốn ưu đãi cho các công trình trọng điểm của Tỉnh và cho các công trình kiên cố hoá kênh mương, công trình giao thông nông thôn. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế vay vốn.

6. Tăng quy mô, công suất, sản lượng các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, thị trường tiêu thụ ổn định để tăng trưởng kinh tế. Tìm kiếm, tiếp thị, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất phát triển. Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch Trung Quốc. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm và khu kinh tế cửa khẩu.

7. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích mọi cá nhân, hộ gia đình tạo việc làm để thực hiện xoá đói giảm nghèo.

8. Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

9. Kiểm tra, phân loại chuẩn xác đúng chất lượng các làng văn hoá, gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, cơ quan văn hoá. Gắn nội dung cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với Nghị quyết các cấp uỷ, đưa nội dung hoạt động thành chỉ tiêu hàng năm của từng địa phương, từng ngành, đoàn thể.

10. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn. Chấp hành chế độ thông tin báo cáo để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương.

 (Tài liệu tham khảo: Nghị quyết số 19/2007/NQ-HĐND, Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2007, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2008 của UBND tỉnh)
 
Nguồn: www.caobang.gov.vn
Tin khác
1 2 3 4 5 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1