Trận mở màn quyết tử Đông Khê với thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950
Lượt xem: 9702

Núi Báo Đông, xã Đức Long (Thạch An) mãi lưu giữ hình ảnh mang tính biểu tượng của lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh “chống gậy lên non xem trận địa” chiến dịch Đông Khê năm 1950.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950).

Đến giữa năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta có bước phát triển mạnh và giành được nhiều thắng lợi quan trọng, có điều kiện chuyển sang giai đoạn phản công, tiến công giành quyền chủ động trên chiến trường. Nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc, phá thế bao vây của địch, tiến tới giành quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch Biên giới. Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Biên giới được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh quốc gia và dân quân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

Ngày 12/8/1950, Trung ương ra chỉ thị cho các cấp ủy Đảng nói rõ: Chiến dịch Biên giới là một chiến dịch rất quan trọng và nhắc nhở các địa phương trong toàn quốc phối hợp, kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch không cho chúng tiếp viện. Trong thư gửi các chiến sĩ ngoài mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở phải dũng cảm, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt địch, “chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”.

Tỉnh Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính của Chiến dịch Biên giới, đồng thời cũng là hậu phương tại chỗ cung cấp sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Bản Tả Phầy Tẩư, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên (nay thuộc thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa) được chọn làm “bản doanh” của Sở Chỉ huy chiến dịch.

Ngày 16/8/1950, Hội nghị Đảng ủy mặt trận bàn định, cân nhắc lại phương án tác chiến. Lúc đầu, căn cứ tình hình địch, ta trên chiến trường dọc biên giới, Đảng ủy Mặt trận và Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương chọn mục tiêu trận mở màn chiến dịch là thị xã Cao Bằng nhằm kéo quân tiếp viện của địch lên để tiêu diệt. Song, sau khi cân nhắc kỹ, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển hướng xuống đánh Đông Khê, một cứ điểm yếu hơn Cao Bằng, vừa đảm bảo chắc thắng mà vẫn cô lập được Cao Bằng và có thể “diệt viện”. Đề nghị này được Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn y. Phân tích chủ trương đánh Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, buộc địch phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động. Thể hiện tư tưởng chỉ đạo trên, kế hoạch tác chiến của chiến dịch được chia làm bốn bước: 1. Tiêu diệt Đông Khê; 2. Đánh quân tiếp viện lên Đông Khê; 3. Đánh Thất Khê; 4. Đánh thị xã Cao Bằng.

Với tầm quan trọng của Chiến dịch Biên giới, cuối tháng 8, đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận. Người kiểm tra kế hoạch tác chiến, công tác chuẩn bị và động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công tham gia chiến dịch. Ngày 14/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Sở Chỉ huy tiền phương tại Nà Lạn, xã Đức Long (Thạch An) trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Sáng sớm 16/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Đài quan sát của mặt trận trên đỉnh núi Báo Đông trực tiếp quan sát theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới năm 1950. Tại đây, Người đã làm bài thơ “Lên núi” nổi tiếng: “Chống gậy lên non xem trận địa/Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/Quân ta thế mạnh nuốt Ngưu Đẩu/Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đây là lần đầu tiên và là lần duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận. Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ra trận đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước. Hình ảnh “Bác Hồ ra trận” thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng quân thù cao nhất của Đảng và nhân dân ta, là nguồn sức mạnh động viên tinh thần vô cùng to lớn, lan truyền đến toàn thể quân và dân ta, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch. Khắp các mặt trận, quân và dân nô nức “thi đua giết giặc lập công”, phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi.

Để bảo đảm chắc thắng trận đầu, Bộ Chỉ huy chiến dịch tập trung một lực lượng mạnh gồm 3 trung đoàn (174, 209, 36) và 2 tiểu đoàn bộ binh (11, 426), được tăng cường 13 khẩu pháo 70 và 75 ly. Mặt trận đánh ứng cứu có Đại đoàn 308, được tăng cường 4 khẩu pháo 75 ly.

Đúng 6 giờ sáng 16/9/1950, ta nổ súng đánh Đông Khê mở màn chiến dịch. Sau 54 giờ chiến đấu cam go, quyết liệt, đến ngày 18/9/1950, ta tiêu diệt hoàn toàn Đông Khê, diệt trên 300 tên địch, cổ vũ khí thế chiến đấu và tạo ra thế thuận lợi mới cho chiến dịch...

Mất cứ điểm Đông Khê, quân địch rơi vào tình thế vô cùng nguy khốn: Thất Khê bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập, thế phòng thủ trên đường số 4 lung lay. Quân Pháp buộc phải rút khỏi Cao Bằng theo đường số 4 bằng kế hoạch “hành quân kép”: Một mặt, tổ chức một binh đoàn do Lơ-pa-giơ chỉ huy từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê để đón quân từ Cao Bằng do Sác-tông chỉ huy rút về; mặt khác, hành binh Phốc-cơ đánh lên Thái Nguyên để thu hút chủ lực của ta.

Sau khi tiêu diệt Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định địch có thể sẽ chiếm lại Đông Khê để giữ Cao Bằng, hoặc phải đánh lên để đón quân ở Cao Bằng rút lui. Do đó, ta cần “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng. Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng cùng với cán bộ, chiến sĩ ở ngoài mặt trận thực hiện quyết tâm của Bộ Chỉ huy là tập trung lực lượng tiêu diệt 2 binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông, giải phóng hoàn toàn biên giới.

Ngày 30/9/1950, địch cho binh đoàn Lơ-pa-giơ tiến lên Đông Khê, quân của Sác-tông ở Cao Bằng cũng bắt đầu rút về. Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tập trung lực lượng tiêu diệt từng cánh quân địch. Đêm 30/9/1950, binh đoàn ứng cứu của Lơ-pa-giơ từ Thất Khê kéo lên bị quân ta chặn đánh tơi bời. Sáng 3/10/1950, binh đoàn Sác-tông và tên tỉnh trưởng bù nhìn Nông Ngọc Tu rút khỏi thị xã Cao Bằng theo Quốc lộ 4 hy vọng hợp quân được với Lơ-pa-giơ tại Cốc Xả, xã Trọng Con (Thạch An). 9 giờ sáng 3/10/1950, bộ đội ta vào chiếm giữ ngay đầu cầu sông Hiến; thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng. Sáng 4/10/1950, bộ đội ta tiếp quản Thị xã.

Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã phá vỡ hoàn toàn hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4. Chiến dịch Biên giới toàn thắng. Kết thúc chiến dịch, ta tiêu diệt và bắt sống trên 8.300 tên địch, tiêu diệt 10 tiểu đoàn, là lực lượng tinh nhuệ nhất, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược toàn Đông Dương, thu trên 3.000 tấn vũ khí, quân trang, quân giới của địch, giải phóng trên 350.000 dân và 4.500 km2 đất với 5 thị xã, 12 thị trấn và nhiều vùng đất đai quan trọng, khai thông trên 750 km đường biên giới Việt - Trung.

Trong toàn bộ Chiến dịch Biên giới, chiến thắng Đông Khê là trận đánh mang tính chất “đột phá khẩu” mở ra chiến thắng to lớn. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, là bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến của ta từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy. Chiến dịch Biên giới kết thúc, Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng. Đây là mốc son để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc xây dựng cuộc sống mới, phát triển về mọi mặt và ổn định đời sống nhân dân. 
 

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1