Cao Bằng thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất (1961-1965)
Lượt xem: 469

Từ ngày 05 đến ngày 10/9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã họp tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) là: Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp; hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế; nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng kinh tế; cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động; ra sức tăng cường củng cố quốc phòng, tăng cường trật tự trị an.

Để động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, từ ngày 19 đến ngày 21/02/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên thăm Cao Bằng. Sau khi làm việc với Tỉnh uỷ và gặp gỡ nhân dân làng Pác Bó, Người thăm lại hang Pác Bó, nơi cách đây 20 năm Người đã từng sống và làm việc. Tại đây Người đã làm bài thơ:

Hai mươi năm trước ở nơi này,

Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây.

Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu,

Non sông gấm vóc có ngày nay.

Ngày 21/02/1961, tại cuộc mít tinh ở thị xã Cao Bằng, Người đã căn dặn: “Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”. Đây là niềm cổ vũ, động viên to lớn để nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm đầu tiên.

Từ ngày 20 đến ngày 28/3/1961, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ V được tổ chức tại thị xã Cao Bằng. Đại hội đã nghe báo cáo kết quả và tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng; quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược trọng tâm của đất nước; kiểm điểm báo cáo tình hình 03 năm 1958-1960 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của tỉnh (1961-1965) là: Thấu suốt đường lối, phương châm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của Đảng, phát huy truyền thống vẻ vang của một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tăng cường đoàn kết nhất trí, nắm vững đặc điểm, khắc phục khó khăn, tận dụng ưu thế của từng vùng xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, trước hết cho nông nghiệp; tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố, phát triển hợp tác xã nông nghiệp; tích cực đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, xúc tiến cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng - văn hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, thủ công nghiệp và nông nghiệp; giữa sản xuất, chế biến và lưu thông. Thực hiện phân phối tiêu dùng và cải thiện đời sống một cách hợp lý, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp có nhiều sản phẩm hàng hóa nhất là sản phẩm chăn nuôi, cây công nghiệp, lâm sản, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhân dân Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực.

Trong nông nghiệp: Cao Bằng tiếp tục xây dựng hợp tác xã song số hợp tác xã giảm vì nhận thức của cấp uỷ chưa đồng đều, chưa thấy rõ những đặc trưng của một tỉnh miền núi để giải quyết những vấn đề đặt ra một cách thận trọng và vững chắc. Trình độ quản lý còn yếu, khi gặp khó khăn chưa biết giải quyết hợp lý nên tư tưởng cán bộ, nhân dân dao động, do đó, năm 1962, toàn tỉnh mới có 996 hợp tác xã. Tỉnh tập trung sản xuất, đưa giá trị tổng sản lượng lương thực quy thóc hằng năm tăng (lúa, ngô), năm 1961, giá trị tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt: 90.614 tấn; năm 1962 đạt 96.573 tấn; năm 1963 đạt 90.502 tấn; năm 1964 đạt 105.392 tấn; năm 1965 do hạn hán kéo dài, sản lượng có phần giảm, đạt 84.798 tấn, đủ bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, nộp thuế nông nghiệp và bán cho Nhà nước.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển, năm 1962, đàn trâu có 62.983 con, đàn bò có 59.976 con; đến năm 1965, tổng đàn trâu có 68.275 con, đàn bò có 63.101 con, đàn ngựa có 3.507 con, đàn lợn có 85.422 con. Chăn nuôi gia cầm trong nhân dân phát triển khá, đem lại nguồn thực phẩm đáng kể phục vụ thị trường địa phương, cải thiện một bước đời sống nhân dân.

Đối với ngành lâm nghiệp, khai thác lâm thổ sản, tỉnh đã có kế hoạch vừa khai thác, vừa trồng rừng nhằm phục vụ nhu cầu của tỉnh và của Trung ương giao. Trong hai năm 1961-1962, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã khai thác được 38.500 m3 gỗ, 3 triệu cần câu, gậy trúc, 35.000 m3 tre, 392.000 m3 vầu, 22.500 m3 củi và nhiều loại lâm sản quý. Năm 1964, cải tạo rừng đạt kế hoạch; riêng nhân dân đã trồng được 2 triệu cây, kết hợp với củng cố quốc phòng đã trồng cây dọc hai bên đường giao thông. Năm 1965, trồng rừng quốc doanh đạt 50%, nhân dân trồng khoảng 800.000 cây.

Công tác thuỷ lợi: Do hạn hán nghiêm trọng và kéo dài, ngay từ đầu mỗi năm, Tỉnh uỷ đã phát động nhân dân tập trung làm thuỷ lợi, tích cực chống hạn cứu lúa và hoa màu. Nhiều hợp tác xã đã tổ chức đội thuỷ lợi đào mương, khơi nước. Riêng năm 1961, nhân dân đã bỏ ra 194.209 công tu sửa 1.783 công trình, làm mới 274 công trình, chống hạn cho 3.000 ha lúa xuân, 16.760 ha lúa mùa. Vì vậy, số diện tích nước tưới tăng từ 16.000 ha (năm 1960) lên 20.000 ha (năm 1962) và tiêu úng được 76 ha. Hai năm 1961-1962, tỉnh đã xây dựng xong 472 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, nổi bật là các công trình như hồ Cao Thăng (Trùng Khánh), mương Háng Páo (Trà Lĩnh), Bản Khu (Hạ Lang), Pác Tạng, trạm bơm tổ hợp quy mô lớn ở Nà Dầm, mương Bản Nùng...

Công nghiệp và thủ công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư, tập trung vào những ngành nghề chủ yếu như: chế biến lâm thổ sản, cơ khí sửa chữa, dệt vải thổ cẩm, đan lát, thêu may, gia công sửa chữa dân dụng. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp năm 1962 tăng 13% so với năm 1961; năm 1963 đạt 113% kế hoạch, tăng 90% so với năm 1962. Tỉnh có ba cơ sở quốc doanh từ chỗ sản xuất lúng túng phải bù lỗ đã đi vào sản xuất có lãi, thu nộp cho ngân sách tỉnh. Năm 1964, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoàn thành kế hoạch trước 15 ngày, tổng sản lượng tăng 89% so với năm 1963, nhất là các cơ sở quốc doanh đã sản xuất có lãi, hoặc giảm tỷ lệ bù lỗ. Năm 1965, cả năm đạt 76,4% kế hoạch, so với năm 1964 tăng 45%. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng 66%, thủ công nghiệp tăng 29,9%.

Thương nghiệp: năm 1961 tập trung cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh. Toàn tỉnh có 1.092 tiểu thương, có 1.062 người trong diện cải tạo, đưa vào hợp tác xã 714 người, chuyển sang sản xuất 249 người. Sau cải tạo, cả tỉnh có 10 hợp tác xã mua bán với 43.290 xã viên. Hoàn thành tốt việc mua vào và bán ra. Bảo đảm cung cấp cho nhân dân những mặt hàng chính như: dầu, muối, vải, gạo, thực phẩm.

Giao thông vận tải: Tập trung củng cố, bảo dưỡng một số cầu quan trọng, bảo dưỡng mặt đường để nâng cao mức sử dụng xe, đồng thời mở thêm một số tuyến đường mới. Ngành đã tiến hành sửa chữa và mở rộng 5 tuyến đường lớn trong tỉnh (Mỏ Sắt - Thông Nông, Trà Lĩnh - Tổng Cọt, Nặm Nàng - Đức Thông, Trùng Khánh - Bằng Ca, Cao Bằng - Sóc Giang) và mở thêm 2 tuyến đường giao thông mới từ Đôn Chương đi Pác Bó và từ Bảo Lạc đi Pác Miầu. Năm 1961, sửa chữa đường Trùng Khánh - Pò Peo dài 24 km, làm đường Sóc Giang - Bình Mãng dài 4 km. Với tinh thần tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, nhân dân đã tự nguyện tham gia 78.471 ngày công lao động để làm mới và khôi phục 931 km đường liên thôn, liên xã, liên bản; làm mới và sửa chữa 48 cầu, 21 cống, phát triển 2.500 xe thô sơ các loại. Công nhân, nhân dân, bộ đội góp 385.800 công làm đường thị xã Cao Bằng - Bản Ngần - Cao Bình, dài 8,5 km rộng 6 m. Năm 1964, phong trào giao thông nông thôn phát triển mạnh nên đã làm mới được 116 km, mở rộng mặt đường 320 km, làm mới 38 cầu, phát triển 258 xe thô sơ, vận chuyển trên 15.000 tấn hàng. Năm 1965, Tỉnh uỷ ra Nghị quyết về việc bảo đảm giao thông trong tình hình mới; ở các huyện, xã ven đường giao thông đều thành lập Ban bảo đảm giao thông và những đội ứng cứu khi tình hình xấu xảy ra. Các đường ngầm, đường tránh ở các cầu tuyến quốc lộ số 3, 4 căn bản hoàn thành, bảo đảm thông xe khi địch bắn phá sau 2 giờ. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng và mở rộng các tuyến đường Mỏ Sắt - Thông Nông, Trà Lĩnh - Tổng Cọt, Trùng Khánh - Bằng Ca...

Về văn hoá giáo dục: Đầu năm 1961, tỉnh Cao Bằng phát động chiến dịch “tiến quân diệt dốt vùng cao”. Trong 2 năm 1961-1962, có 15.141 đồng bào thoát nạn mù chữ và 14.101 người có trình độ phổ cập giáo dục cấp I. Tỉnh Cao Bằng là một trong hai tỉnh miền núi đầu tiên xóa xong nạn mù chữ ở vùng thấp. Giáo dục phổ thông có bước phát triển: năm học 1963-1964, tỉnh có 25 trường cấp II ở khắp các huyện, thị xã với 6.129 học sinh, tăng 43,6%; có 3 trường cấp III với 704 học sinh, tăng 2,5 lần so với năm 1960. Đối với các huyện vùng cao, tỉnh mở 105 trường, lớp với 7.077 học sinh, tăng gấp ba lần năm 1960. Năm học 1964-1965, tỉnh đã tổ chức học tập về tình hình, nhiệm vụ mới và về kỹ thuật nông nghiệp, quốc phòng cho 1.200 giáo viên, thực hiện sơ tán các trường học và tập trung đào hầm hào phòng không; phát động phong trào bổ túc văn hoá, kết quả có 17.313 người đi học, đạt 85% kế hoạch. Đồng thời, căn cứ vào đặc điểm thời tiết khắc nghiệt và cư trú phân tán của đồng bào, ngành giáo dục đã thực hiện quy chế “nghỉ đông, học hè” để thu hút học sinh, bảo đảm sản xuất và tránh thời tiết xấu. Ngành giáo dục đã chú ý kết hợp đào tạo hướng nghiệp cho 120 học sinh dân tộc thiểu số theo con đường đào tạo phổ thông nông nghiệp. Việc giảng dạy, nghiên cứu và thực hành kỹ thuật trong nhà trường bước đầu được chú ý cải tiến.

Y tế: năm 1961 có 10 cơ sở điều trị với 420 giường bệnh, 109 trạm y tế xã, 9 phòng phát thuốc, 2 đội y tế lưu động, 2 đội phòng dịch. Từ năm 1962 đến năm 1963, cả tỉnh có 12 cơ sở điều trị, trong đó có 4 bệnh viện, 8 bệnh xá với 440 giường bệnh, 113 trạm y tế xã. Đến cuối năm 1964, tỉ nh có 01 bệnh viện lớn, hầu hết các xã vùng thấp đã có trạm y tế xã. Số người khám, chữa bệnh hằng năm tăng từ 52.000 người (năm 1961), lên 80.000 người (năm 1965). Số cán bộ y tế ngày càng tăng: năm 1961 có 04 bác sĩ, 01 dược sĩ cao cấp, 43 y sĩ, 132 y tá; đến năm 1963 đã có 14 bác sĩ, 02 dược sĩ cao cấp, 82 y sĩ, 16 y sĩ xã, 142 y tá, 22 nữ hộ sinh.

Ngành văn hóa, thông tin: truyền thanh từ tỉnh tới cơ sở được trang bị gọn nhẹ và phát huy tác dụng tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phục vụ sản xuất và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Hoạt động văn hóa của quần chúng bước đầu được chú ý. Ngành văn hóa đã phát động các đợt thi sáng tác thơ ca dân tộc phục vụ nhiệm vụ chính trị trước mắt. Đồng thời, tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, vui chơi giải trí phù hợp với điều kiện từng vùng, phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc nhằm nâng cao dân trí, giảm bớt hủ tục lạc hậu.

Công tác xây dựng, phát triển Đảng: Năm 1960, Đảng bộ tỉnh mới kết nạp được thêm 350 đảng viên thì tới cuối năm 1962 đã kết nạp thêm 1.601 đảng viên mới, trong đó, lực lượng trẻ chiếm 65%, nâng tổng số đảng viên toàn tỉnh lên 8.803 đảng viên, với 342 chi bộ cơ sở. Hầu hết các xã đều thành lập được chi bộ Đảng làm nòng cốt trong việc vận động quần chúng nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong thời gian thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (từ ngày 16 đến ngày 25/9/1963), bầu đồng chí Vũ Ngọc Linh làm Bí thư, tiếp tục lãnh đạo nhân dân Cao Bằng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Công tác quân sự địa phương, dân quân, du kích, công an đều có những đóng góp tích cực bảo vệ an toàn nội bộ. So với yêu cầu của Khu uỷ Việt Bắc đề ra thì Cao Bằng là tỉnh có nhiều thành tích vượt bậc về phát triển dân quân tự vệ (về số lượng và chất lượng), tuyển quân xây dựng bộ đội địa phương và đóng góp sức người chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1963, lực lượng dân quân, du kích đã phát triển mạnh mẽ, trong 154 xã của tỉnh đã có đội ngũ cán bộ chuyên trách, công tác luyện tập quân sự có chất lượng hơn, ý thức sẵn sàng chiến đấu cao hơn. Phong trào “Ba sẵn sàng” ở thanh niên, “Ba đảm đang” ở phụ nữ phát triển rầm rộ, cả tỉnh có 124 hội mẹ chiến sĩ sẵn sàng phục vụ chiến đấu.

Giữa lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang hăng hái thi đua hoàn thành Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ gây ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, thực hiện âm mưu leo thang bắn phá miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Trung ương Đảng đã chỉ đạo chuyển hướng chiến lược từ thời bình sang thời chiến, miền Bắc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: vừa sản xuất, vừa chiến đấu “mỗi người làm việc bằng hai” vì miền Nam ruột thịt. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tỉnh Cao Bằng đã chuyển mọi hoạt động xây dựng kinh tế, xã hội, văn hóa từ thời bình sang thời chiến; phát động phong trào “đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu”; đẩy mạnh công tác phòng không sơ tán bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; tích cực xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang tại chỗ chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Như vậy, trong 5 năm 1961-1965, từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu, tàn dư của chế độ cũ còn khá nặng nề, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành những chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, chính trị của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Đại bộ phận nông dân đã đi vào con đường làm ăn tập thể, phong trào hợp tác hóa đã phát huy tác dụng bước đầu trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tạo điều kiện để đẩy mạnh các mặt công tác khác.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1