Cao Bằng thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng: Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, hoàn thành các mục tiêu KT-XH (1991-1995)
Lượt xem: 430

Bước vào giai đoạn 1991-1995, cùng với cả nước, Cao Bằng đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ lệnh cấm vận đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục hoạt động phá hoại gây nên sự hoài nghi, hoang mang trong nhân dân; một số ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện chùn bước, giảm sút ý chí chiến đấu. Trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả luôn biến động, đồng lương chậm, người lao động thiếu công ăn việc làm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã đồng lòng khắc phục khó khăn, thử thách, tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới.

Từ ngày 24 đến ngày 27/6/1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tổng quát cho Kế hoạch 5 năm 1991-1995 là: “vượt qua những khó khăn gay gắt trước mắt, tăng cường ổn định chính trị, đưa đất nước cơ bản ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thực hiện một phần mục tiêu của Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”.

Từ ngày 22 đến ngày 25/11/1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIII được tổ chức tại thị xã Cao Bằng. Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị và định ra những mục tiêu kinh tế - xã hội trong 5 năm 1991-1995 là: “Tích cực chủ động vượt khó khăn thử thách, ổn định và phát triển có trọng điểm về kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội”. Đồng chí Nông Hồng Thái, Uỷ viên Trung ương Đảng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đến nhân dân và tập trung xây dựng chương trình hành động trong tổ chức thực hiện, nhằm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn được xác định là mặt trận hàng đầu, được Đảng bộ đặc biệt quan tâm chỉ đạo sâu sát. Xác định rõ các loại cây, con chủ yếu để tập trung đầu tư trong sản xuất như: lúa, ngô, đỗ tương, thuốc lá; trâu, bò, lợn; đồng thời, khuyến khích trồng cây ăn quả, rau màu và các dịch vụ bảo đảm lợi ích người lao động; coi trọng việc áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tạo ra năng suất cao. Tỉnh đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hơn 5.000 lượt người. Vì thế, tổng sản lượng lương thực tăng trưởng từng năm, năm 1991 là 147.210 tấn, đến năm 1995 tăng lên 178.000 tấn . Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Các vùng đồng bằng, vùng có trình độ dân trí cao đã từng bước phá thế độc canh cây lúa, chuyển đầu tư các ngành nghề, cây con có giá trị kinh tế cao. Các mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng đều phát triển mạnh; xuất hiện nhiều điển hình về hợp tác xã làm ăn, kinh doanh có hiệu quả dựa trên những điều kiện và thế mạnh của từng địa phương như: thị xã Cao Bằng và các huyện Hoà An, Ngân Sơn, Ba Bể...

Tăng trưởng lương thực đã tạo ra tiền đề cho phát triển chăn nuôi và đổi mới cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống xã hội. Tỉnh có chính sách khuyến khích chăn nuôi ở hộ gia đình, làm tăng sản phẩm hàng hoá tiêu thụ trong nội địa và xuất khẩu. Tổng đàn gia súc tăng nhanh theo từng năm: đàn trâu tăng 2,84%, đàn bò tăng 2,4%, đàn lợn tăng 1,34%, gia cầm tăng 19,3%.

Về lâm nghiệp, việc giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng, phủ xanh đồi núi trọc làm tăng vốn rừng bước đầu có hiệu quả; nhiều khu vực đồi rừng được hồi sinh. Trong 5 năm (1991-1995), toàn tỉnh trồng thêm được 2.724 ha rừng; khoanh nuôi, bảo vệ rừng được 27.562 ha; giao đất, giao rừng được 123.886 ha, nâng độ che phủ rừng từ 14% (giai đoạn 1986-1990) tăng lên 18% (giai đoạn 1991-1995).

Công tác định canh, định cư tiếp tục phát triển. Trong 5 năm 1991-1995, định canh, định cư theo chương trình dự án đã thực hiện được 21.458 triệu đồng, bảo đảm cho 3.284 hộ gia đình ổn định nơi ăn, chốn ở, yên tâm sản xuất.

Ngành công nghiệp đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu sản xuất các ngành nghề; các ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản và nông lâm sản, công nghiệp vật liệu xây dựng đã tạo ra một số sản phẩm mới thuộc lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện khó khăn, đã có một số đơn vị quốc doanh công nghiệp địa phương cải tiến công nghệ, liên doanh nên đã duy trì được sản xuất, tăng giá trị khối lượng hàng hoá như: Xí nghiệp vật liệu xây dựng, Nhà máy xi măng Nguyên Bình, Xí nghiệp liên doanh khai thác chế biến xuất khẩu thiếc, Công ty khoáng sản, Nhà máy cơ khí... Giá trị sản lượng công nghiệp tăng lên theo từng năm: năm 1991 đạt 5,171 tỷ đồng; năm 1995 đạt 6,6 tỷ đồng.

Đến năm 1995, tỉnh đã xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ yếu chi phối các mặt hoạt động khác của xã hội, nên đã quan tâm đầu tư mạnh hơn. Toàn tỉnh có 19 đơn vị sản xuất công nghiệp quốc doanh hoạt động; có 254 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất thủ công nghiệp. Tiểu thủ công nghiệp được định hướng, sắp xếp lại, đã thành lập Hội đồng liên minh các hợp tác xã, hướng dẫn tổ chức lại các đơn vị doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Một số sản phẩm như: nước khoáng, rượu vang Hương Lan, hàng dệt thổ cẩm, sửa chữa cơ khí đã có chỗ đứng trên thị trường.

Mạng lưới điện trong tỉnh tiếp tục được củng cố, mở rộng và hoà vào lưới điện quốc gia, đưa điện thắp sáng đến trung tâm 7/13 huyện, thị; đồng thời, khôi phục lại các trạm thuỷ điện, đổi mới trang thiết bị máy móc. Sản lượng điện không ngừng được tăng lên, năm 1995 tăng 62% so với năm 1990.

Lĩnh vực giao thông vận tải cũng được tỉnh quan tâm, với nguồn vốn đầu tư dành cho giao thông hằng năm chiếm từ 13-15% tổng mức đầu tư của tỉnh. Toàn ngành đã có nhiều cố gắng trong việc khai thác các nguồn vốn, tập trung xây dựng và nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường ra cửa khẩu, đường nội thị và các tuyến đến khu di tích lịch sử văn hóa như: Quảng Uyên - Tà Lùng, Đôn Chương - Sóc Giang, Quảng Uyên - Trùng Khánh, Nặm Thoong - Thông Nông, tỉnh lộ 203 (thị xã Cao Bằng - Pác Bó), đường từ thị trấn Nguyên Bình vào khu rừng Trần Hưng Đạo... Đến năm 1995, toàn tỉnh có 165 xã có đường ôtô đến trung tâm xã, tăng 30 xã so với giai đoạn 1986-1990, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 1994, vận tải hàng hóa tăng 33%, vận tải hành khách tăng 8% so với năm 1993.

Ngành thương mại dịch vụ đã nhanh chóng thực hiện cơ chế thị trường có sự điều hành, quản lý của Nhà nước, mở rộng thị trường hàng hoá. Mạng lưới thương nghiệp quốc doanh được tổ chức, sắp xếp lại, đổi mới phương thức kinh doanh và cơ bản giữ được vai trò chủ đạo trên thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân. Đến năm 1995, toàn ngành có 12 doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện và 4 doanh nghiệp cấp tỉnh. Trị giá bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước. Năm 1991, trị giá bán lẻ của thương nghiệp chỉ đạt 19 tỷ đồng; năm 1993 tăng lên 22,4 tỷ đồng; đến năm 1995 tăng lên 31,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,7% tổng mức bán lẻ xã hội. Xuất nhập khẩu tăng nhanh, năm 1991 mới đạt 1,307 triệu USD, đến năm 1995 đã đạt 2,46 triệu USD. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng đều qua các năm: năm 1991 đạt 9,4 tỷ đồng, đến năm 1995 đạt 70,6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng 9,3%: năm 1990 đạt 95,8 USD, năm 1995 đạt 150 USD.

Lĩnh vực văn hoá xã hội thường xuyên được quan tâm, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Tổ chức bộ máy văn hóa thông tin và thể thao được sắp xếp lại, hoạt động có hiệu quả hơn.

Nhà văn hoá ở 13 huyện, thị được trang cấp thiết bị mới; tăng cường các hoạt động chiếu phim, văn hóa, văn nghệ tại các vùng cao, hẻo lánh kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc quản lý các di tích lịch sử, văn hoá và tổ chức các lễ hội từng bước đi vào nền nếp. Bước đầu thực hiện tôn tạo Khu di tích Pác Bó và các điểm di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá được quan tâm và xây dựng các điển hình nhằm nhân rộng, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi các tập tục lạc hậu và các tiêu cực phát sinh trong xã hội.

Hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình, sáng tác văn học - nghệ thuật đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, hướng vào việc phản ánh thành quả công cuộc đổi mới, đấu tranh chống tiêu cực xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Các loại hình thông tin ngày càng đa dạng, phong phú, hướng tới phục vụ đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Sự nghiệp giáo dục đã có bước tiến rõ rệt. Hệ thống trường, lớp từ giáo dục mầm non đến phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp được sắp xếp lại hợp lý, phát huy hiệu quả. Việc thực hiện đa dạng hoá các loại hình trường lớp đã góp phần giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên tiểu học ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Sự nghiệp giáo dục ngày càng được củng cố và phát triển. Số lượng học sinh mỗi năm một tăng, năm 1993 có tổng số 94.597 học sinh; đến năm 1995 là 133.147 học sinh. Thành tích nổi bật nhất là đến tháng 12/1995, tỉnh đã xoá xong “xã trắng” về giáo dục, có 50 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ; toàn tỉnh có 356 trường phổ thông, 30 trường mẫu giáo. Hệ thống trường chuyên, lớp chọn, trường dân tộc nội trú được củng cố và phát triển, đội ngũ giáo viên an tâm với nghề nghiệp. Các hoạt động giáo dục toàn diện được phát huy. Các môn học: ngoại ngữ, tin học, dạy nghề đã được đầu tư và thu hút nhiều đối tượng đến học.

Mạng lưới y tế không ngừng được củng cố. Năm 1991, toàn tỉnh có 180 xã có trạm y tế; có 31 cơ sở khám bệnh quốc lập và 31 cơ sở khám bệnh tư nhân. Đến năm 1994, mạng lưới y tế cơ sở đã được củng cố, mở rộng ở tất cả 224 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; tỷ suất sinh tự nhiên giảm 0,6% so với năm 1993 (đạt 35,4%). Năm 1995, tỉnh đã xóa xong các “xóm trắng” về y tế. Thực hiện chương trình y tế quốc gia đạt kết quả khá; công tác chỉ đạo, quản lý, lập lại trật tự, xây dựng cơ sở vật chất trong lĩnh vực khám, chữa bệnh được chú trọng. Tình trạng thiếu cán bộ y tế cơ sở từng bước được khắc phục; các dịch bệnh xã hội có chiều hướng giảm.

Hệ thống thông tin liên lạc đã được tăng cường thêm một số cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại. Năm 1994, toàn tỉnh có 2.250 máy đàm thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho thông tin trong và ngoài tỉnh thông suốt; 8/13 huyện, thị có tổng đài điện tử và 20 máy được lắp đặt tới cơ sở xã. Đến năm 1995, mức độ tự động hóa đường dài đạt 40%. Công tác phát hành báo chí được cải tiến, đến năm 1995, có 30% số huyện và 10% số xã trong tỉnh có báo đọc hàng ngày.

Công tác quân sự địa phương giai đoạn 1991-1995 có nhiều chuyển biến. Chế độ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được duy trì và nâng cao chất lượng. Nhiều phương án được cải tiến, bổ sung và triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, chú trọng các địa bàn trọng yếu. Công tác tuyển quân hằng năm đều đạt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng, các đơn vị dân quân tự vệ địa phương và khối cơ quan đều hoàn thành chương trình huấn luyện. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn chú trọng công tác xây dựng lực lượng theo hướng chính quy, hiện đại, giữ gìn và bảo quản vũ khí, kỹ thuật tốt, củng cố hậu cần, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nên năm 1995 được thưởng Cờ luân lưu của Quân khu I.

Năm 1995, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi, Mỹ tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, nước ta gia nhập khối ASEAN, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có bước cải thiện, song từng khu vực, từng thời điểm dọc biên giới vẫn còn những điểm phức tạp, có lúc căng thẳng giữa hai bên. Nhưng do ta chủ động nắm tình hình, lực lượng biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, trên cơ sở tôn trọng hiệp định tạm thời, giữ gìn được tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Lực lượng công an nhân dân các cấp luôn được củng cố, thành lập các tổ an ninh nhân dân, tổ chức tiến công, truy quét các loại tội phạm hình sự có hiệu quả. Nhờ có sự cố gắng nỗ lực của toàn Đảng bộ mà nòng cốt là lực lượng vũ trang đã góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ tỉnh. Từ cuối tháng 8 đến tháng 11/1991, hầu hết đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh được quán triệt Nghị quyết Đại hội VII của Đảng và Điều lệ Đảng sửa đổi. Công tác phát triển Đảng cũng được tiến hành thường xuyên. Trong 5 năm 1991-1995, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 2.744 đảng viên. Kết quả phân loại tổ chức cơ sở đảng năm 1995, trong số 572 cơ sở đảng với 1.485 chi bộ, có 34,96% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; 58,38% tổ chức cơ sở đảng xếp loại khá; chỉ có 6,66% tổ chức cơ sở đảng yếu kém.

Công tác kiện toàn bộ máy và quy hoạch cán bộ cũng đạt được kết quả nhất định. Trong 5 năm 1991-1995, tỉnh đề bạt được 180 cán bộ lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị; chọn cử 388 cán bộ đi bồi dưỡng quản lý nhà nước do các trường Trung ương và địa phương tổ chức; 319 cán bộ theo học hệ trung cấp lý luận chính trị; 36 cán bộ được đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Công tác kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng được tiến hành nhiều đợt góp phần giáo dục tư tưởng chính trị, ngăn ngừa vi phạm kỷ luật.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã động viên cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chủ động tham gia xây dựng chính quyền, bảo vệ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Nhìn chung, giai đoạn 1991-1995, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng tiếp tục nỗ lực vươn lên thực hiện công cuộc đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt những kết quả đáng kể. Tình hình xã hội ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Dù còn gặp nhiều khó khăn, song thành quả đạt được trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh là rất đáng ghi nhận, khả quan. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền được củng cố, tạo nên cơ sở, điều kiện thuận lợi, từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Theo Sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng

 

Tin khác
1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1