Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lượt xem: 1281

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự lỗi lạc, có thời gian hoạt động cách mạng tại Cao Bằng. Ông được Hồ Chủ Tịch tin tưởng, giao cho việc điều binh khiển tướng, trong quá trình hoạt động, Đại tướng đem hết tâm sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam. Võ Nguyên Giáp được cả thế giới biết đến như là một trong những vị tướng huyền thoại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự lỗi lạc, có thời gian hoạt động cách mạng tại Cao Bằng. Ông được Hồ Chủ Tịch tin tưởng, giao cho việc điều binh khiển tướng, trong quá trình hoạt động, Đại tướng đem hết tâm sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam. Võ Nguyên Giáp được cả thế giới biết đến như là một trong những vị tướng huyền thoại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

VNG_HCM

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: T.L

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Cha Đại tướng là Võ Quang Nghiêm là một  nhà giáo - nhà nho yêu nước. Lên 5 tuổi, ông được cha cho học chữ Nho. Năm 1925, mới 14 tuổi, ông vào học Trường Quốc học Huế, gặp nhiều bạn cùng chí hướng, được đọc tài liệu, sách báo bí mật như Le Paria (Người cùng khổ), Bản án chế độ thực dân Pháp… của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi về, ông bắt đầu hiểu như thế nào là đất nước mất độc lập tự do. Năm 1927, ông bị đuổi học vì tham gia tổ chức bãi khoá. Năm 1929, ông tham gia Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Giữa năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam và bị kết án 2 năm tù, do không đủ chứng cứ, chúng buộc phải thả. Vừa ra tù, ông lại tham gia ngay vào hoạt động cách mạng.

Trong những năm 1936 - 1939, ông tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, dạy môn Lịch sử ở Trường tư thục Thăng Long. Tháng 4/1940, theo sự phân công của Đảng, ông cùng Phạm Văn Đồng vượt biên giới sang Vân Nam (Trung Quốc) tìm bắt liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cuộc gặp gỡ lịch sử tháng 6/1940, đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp. Và tại đây, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn thị, chỉ bảo, ông được kết nạp vào Đảng. Cuối tháng 11/1940, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng giao nhiệm vụ mở lớp huấn luyện cho hơn 40 cán bộ nòng cốt là người Cao Bằng vừa mới vượt biên sang.

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước tại Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cuối năm đó, Võ Nguyên Giáp được Người cử cùng Phạm Văn Đồng và Vũ Anh về châu Hoà An, Nguyên Bình với nhiệm vụ mở các lớp huấn luyện Việt Minh. Năm 1942, Võ Nguyên Giáp được Người trực tiếp giao phụ trách Ban xung phong Nam tiến, cấp tốc tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) đi về xuôi. Tháng 9/1944, Võ Nguyên Giáp được Người giao nhiệm vụ cùng Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng nghiên cứu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyên Giải phóng quân. Người hỏi: “Việc này giao cho chú Văn phụ trách, chú có làm được không?”, “Dạ. Có thể được”. Với câu trả lời ngắn gọn đó, Võ Nguyên Giáp chính thức bước vào con đường binh nghiệp.

Với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ chu đáo, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sỹ, trong đó có 25 đồng chí là con em các dân tộc Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình. Vừa mới ra đời, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã lập những chiến công vang dội. Liền trong 2 ngày 25 - 26/12/1944, Đội đã tiêu diệt 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống “đánh thắng trận đầu, ra quân là đánh thắng” của quân đội ta.

Tháng 5/1945, Võ Nguyên Giáp theo lãnh tụ Hồ Chí Minh về Tân Trào (Tuyên Quang) chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 10/1946, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày 25/8/1948, khi vừa tròn 37 tuổi, Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sỹ làm tròn sứ mệnh mà quốc dân phó thác cho.
Trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp thực địa, đánh giá tình hình, sau đó đã báo cáo và đề nghị với Bác Hồ, được Người chấp thuận chuyển tấn công pháo đài Cao Bằng sang đánh đồn Đông Khê thắng lợi, Cao Bằng hoàn toàn giải phóng, Chiến dịch Biên giới toàn thắng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, ủy thác: Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Với tài thao lược của vị tướng, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược, lãnh đạo quân và dân ta đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chỉ huy các mũi tiến công bằng mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách, với 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đánh thắng 7 đại tướng tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp và 3 đại tướng tổng chỉ huy quân đội xâm lược Mỹ. Với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Võ Nguyên Giáp được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Quân công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác.

Với những công lao to lớn của vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi vào sổ tang viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Văn, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo quân đội tài ba, Bộ trưởng Quốc Phòng, Tổng tư lệnh đầu tiên, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách, và những cống hiến to lớn của đồng chí trong lòng dân là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu truyền trong lịch sử dân tộc… nguyện mãi mãi học tập tư tưởng, đạo đức, và tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của đồng chí.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, dư luận thế giới bày tỏ tình cảm, trong đó, tại châu Á, báo “The Hin du” của Ấn Độ viết: Vị tướng huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp - người chỉ huy đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ và chiến thắng đế quốc Mỹ, đã từ trần tại Hà Nội. Tướng Giáp, người đã chỉ huy làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, khiến lực lượng Pháp phải rút khỏi bán đảo Đông Dương, được coi là một trong những nhà lãnh đạo quân sự thiên tài của thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tướng Giáp nổi tiếng như một vị Anh hùng chỉ đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1