Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc tế Cộng sản
Lượt xem: 1646

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào Cộng sản quốc tế. Trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trong đó có khoảng 20 năm gắn bó với Quốc tế Cộng sản (QTCS).

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào Cộng sản quốc tế. Trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trong đó có khoảng 20 năm gắn bó với Quốc tế Cộng sản (QTCS).

298

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920. Ảnh: T.L

Tháng 3/1919, Lê-nin và những người theo chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của Lê-nin họp đại hội ở Mátxcơva, thành lập Quốc tế III - tức QTCS. QTCS kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin, được Đại hội lần thứ hai QTCS họp năm 1920 thông qua, đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.  

Tháng 7/1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm: Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I Lê-nin, đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) số ra ngày 16 - 17/7/1920. Tác  phẩm của Lê-nin đã giải đáp cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập, tự do cho đồng bào... Sau đó, Người đã viết thư bằng tiếng Pháp gửi QTCS cho biết Luận cương đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan của Người và giúp Người đi theo Quốc tế III - QTCS. Sự chỉ đạo của QTCS đối với phong trào Cộng sản Pháp có ý nghĩa quyết định trong việc thống nhất lực lượng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đi tới thành lập một đảng theo những nguyên tắc của QTCS.

Từ mùa thu năm 1920, không khí sinh hoạt chính trị ở Pháp, nhất là ở Pari sôi nổi, náo nhiệt, bao trùm lên đời sống của mọi tầng lớp xã hội, tập trung xoay quanh vấn đề nên gia nhập Quốc tế III hay vẫn theo Quốc tế II. Đảng Xã hội Pháp bị chia rẽ bởi cách khuynh hướng chính trị khác nhau và đối lập nhau. Các nhóm đều đưa tuyên ngôn và chương trình hành động của mình lên báo chí để tranh thủ đa số đảng viên, chuẩn bị bước vào Đại hội lần thứ XVIII, hy vọng giành phần thắng. Đại hội đại biểu Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp từ ngày 25 - 30/12/1920, lúc này có 6 đảng bộ thuộc địa với 2.020 đảng viên, có 8 đại biểu dự Đại hội.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của Đảng bộ Đông Dương. Về tuổi đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng vào lớp tuổi trẻ thứ hai trong tổng số đại biểu. Đồng chí làm nghề thợ ảnh, đứng vào loại nghề chiếm 9,4% tổng số đại biểu.

Khi Đoàn Chủ tịch giới thiệu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là đại biểu Đông Dương, cả Đại hội dứng dậy vỗ tay hoan hô. Lần đầu tiên có một người Việt Nam tham gia một đại hội đại biểu của một chính đảng Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng là người bản xứ duy nhất trong số đại biểu các thuộc địa có mặt tại Đại hội. Sau một ngày rưỡi làm việc, tại phiên họp chiều 26/12, Chủ tịch Đại hội Êmin Guđơ mời lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại biểu của Đông Dương phát biểu, cả hội trường chăm chú theo dõi. Lời phát biểu ngắn gọn nhưng đã lưu ý Đại hội quan tâm đến vấn đề: Chống chủ nghĩa tư bản Pháp áp bức, bóc lột nhân dân Đông Dương thuộc địa. Đồng chí kết hợp tố cáo tội ác của chủ nghĩa tư bản trên đất Đông Dương. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kết thúc bài phát biểu bằng lời kêu gọi thống thiết: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đồng chí Xã hội, cả phái tả lẫn phái hữu, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!”. Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có sức thuyết phục cả lý trí và tình cảm nên được Đại hội vỗ tay đồng tình hưởng ứng, nó đánh thức lương tri con người, thống nhất hành động trên cơ sở của lòng nhân đạo.

Đại hội làm việc liên tục, khẩn trương, căng thẳng, tranh luận gay gắt. Ngày họp thứ năm (ngày 29/12/1920), Đại hội quyết định họp luôn một phiên nữa vào 21 giờ. Mở đầu phiên họp, Đại hội có 2 ý kiến: Bầu ngay và tiếp tục tranh luận. Sau đó các đại biểu chỉ phát biểu ngắn và bắt đầu vào cuộc bầu, quyết định việc Đảng ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III? Khoảng 22 giờ, Đại hội tiến hành bỏ phiếu. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (QTCS).

Sau cuộc bỏ phiếu, nữ đồng chí Rodơ, người ghi biên bản tốc ký Đại hội, hỏi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Tại sao đồng chí lại bỏ cho Quốc tế III?”. “Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đây là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”.

Bế mạc Đại hội với bài Quốc tế ca hùng tráng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng những người gia nhập QTCS tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của QTCS. Từ giờ phút ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở thành người Cộng sản. Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Như vậy, từ khi đọc Luận cương của Lê-nin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt lập trường tư tưởng và quan điểm chính trị của mình và cả dân tộc mình hướng vào QTCS và Lê-nin. Đến Đại hội Tua, Người đã đi thêm một bước: Hoàn toàn ngả về QTCS và đặt mệnh lệnh giải phóng dân tộc theo đường lối của QTCS, của Lê-nin, của cách mạng vô sản. Sau khi chính thức trở thành người cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động sôi nổi, gian khổ, dũng cảm và đầy sáng tạo. 

Được sự giúp đỡ của QTCS, ngày 13/6/1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pari đi Liên Xô học tập và hoạt động. Đến ngày 17/6/1924, Người dự Đại hội lần thứ V của QTCS với sự tham gia của 504 đại biểu đại diện cho 49 đảng cộng sản và công nhân, thay mặt cho 1. 319.000 đảng viên cộng sản trên toàn thế giới và 10 tổ chức quốc tế. Tại phiên họp khai mạc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu câu hỏi: “Tôi muốn biết Đại hội có gửi lời kêu gọi đặc biệt đến các thuộc địa không?”. Và Người đề nghị bổ sung mấy chữ “Gửi các dân tộc các nước thuộc địa” vào lời kêu gọi.

Trong các phiên họp thứ 8, 22 và 25 của Đại hội, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu và nêu ra những ý kiến quan trọng về “Vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của  giai cấp bị áp bức ở các nước thuộc địa”. Người đặc biệt nêu trách nhiệm của QTCS trong việc giúp đỡ phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Ngày 25/9/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận được Quyết định của QTCS về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động: Thiết lập những quan hệ giữa Đông Dương và QTCS. Thông báo cho QTCS về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của các thuộc địa. Bắt liên lạc với các tổ chức chính trị ở bản xứ. Cố gắng tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền.

Đầu năm 1930, “với tư cách là phái viên của QTCS có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 3 - 7/2/1930) tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa, giá trị như một “Đại hội thành lập Đảng”. Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Với việc hợp nhất các tổ chức Cộng sản, ngày 3/2/1930 được ghi vào lịch sử là Ngày chính thức ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được cử đi hoạt động ở các nước, Người đã có nhiều thư, báo cáo gửi Ban Chấp hành QTCS đề nghị giúp đỡ cách mạng Việt Nam, từ việc đưa thanh niên đi nước ngoài đào tạo đến việc đề nghị giúp đỡ về cơ sở vật chất cho cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, sau khi cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ - Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp dã man, ngày 29/9/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho QTCS biết và tha thiết đề nghị “Chúng tôi khẩn khiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể làm được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi cần phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì để giúp đỡ họ thông qua tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ”.

Sau nhiều năm hoạt động tại nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, Người nói: “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc”, có thể nói trở về Tổ quốc luôn là khát vọng cháy bỏng của Người. Chấp nhận nguyện vọng của Người, ngày 29/9/1938, QTCS đồng ý cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính thức rời khỏi Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa tìm cơ hội về nước. Với sự thông tuệ về chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn xác định Cách mạng Việt Nam không thể tách rời phong trào cách mạng thế giới và sự giúp đỡ của quốc tế. Vì vậy, ngày 12/7/1940, khi đang tìm cách về nước lãnh đạo cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có báo cáo gửi QTCS nói rõ những khó khăn ở trong nước và tinh thần yêu nước của nhân dân ta, đồng thời đề nghị QTCS tiếp tục giúp đỡ cách mạng Việt Nam.  

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1