Phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh
Lượt xem: 5190

Kế thừa có chọn lọc Văn kiện Đại hội XII và phát triển những quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn của Đảng về khoa học và công nghệ (KH&CN), Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, toàn diện và sâu sắc, trong đó, các quan điểm phát triển KH&CN tiếp tục được nhấn mạnh, cụ thể “Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có chiến lược phát triển KH&CN phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Các đại biểu tham quan công nghệ nấu luyện sten chất lượng cao từ nguồn quặng sunfua đa kim niken-đồng Cao Bằng.

 

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách về KH&CN được ban hành và đi vào cuộc sống, bước đầu đạt được kết quả nhất định. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống; chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện với việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, vào kế hoạch phát triển KT - XH hằng năm, nhất là áp dụng KH&CN trong phát triển kinh tế.

Một số doanh nghiệp ưu tiên đầu tư, tiếp thu và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại vào sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ tạo bước tiến mới nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã gắn kết, song hành phục vụ phát triển, tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh phát triển KT - XH của tỉnh, từng bước thể hiện vai trò cụ thể ở các lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn, đóng góp tích cực vào cung cấp luận cứ cho việc giải quyết vấn đề phát triển KT - XH, đặc biệt quan tâm nghiên cứu đối với lịch sử, truyền thống văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Trong sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ giống mới sạch bệnh, kỹ thuật canh tác mới, phát triển các loại cây trồng đặc sản có thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao để sản xuất tại tỉnh, bước đầu tạo được sự liên kết giữa “4 nhà”, đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với sự đầu tư khá lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Điển hình như tại huyện Hà Quảng, từ năm 2017 đến nay, huyện triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ các xã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: Liên kết sản xuất trồng thuốc lá nguyên liệu tại các xã vùng đồng; ngô, lạc hàng hóa, gừng trâu, nghệ đỏ nguyên liệu... tại các xã vùng cao bước đầu đạt kết quả tốt (trong đó gừng là một trong ít sản phẩm của tỉnh được các cơ quan của Nhật và Mỹ chứng nhận hữu cơ).

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến, quan tâm đổi mới và cải tiến công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng các công nghệ bảo quản, chế biến tiên tiến, các loại máy móc hiện đại, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Ứng dụng saponin kết với chitosan và axit axetic tạo màng sinh học, nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng của quả quýt Cao Bằng; hoàn thiện công nghệ nấu luyện sten chất lượng cao từ nguồn quặng sunfua đa kim niken-đồng Cao Bằng.

Trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, các nghiên cứu khoa học góp phần giải quyết một số vấn đề phức tạp nổi lên trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, an ninh trật tự của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới và đặc thù của tôn giáo ở Cao Bằng, nâng cao hiệu quả hoạt động của công an xã trên địa bàn tỉnh như đề tài “Quan hệ tộc người xuyên biên giới ở tỉnh Cao Bằng tác động đến ổn định xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh”; “Nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”...

Cơ chế quản lý và tổ chức KH&CN được đổi mới, chính sách KH&CN được xây dựng, sửa đổi kịp thời phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến làm việc. Tổ chức bộ máy được kiện toàn tinh gọn hơn, đã rà soát, sắp xếp lại các đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể,  Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được tổ chức lại thành Phòng Quản lý Đo lường thuộc Sở KH&CN; sáp nhập 3 trung tâm (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) thành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN để tinh gọn tổ chức bộ máy, không chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ được giao, từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.

Tiềm lực KH&CN cơ bản được nâng cao, đặc biệt là cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư. Công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tăng cường, số đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng nhanh... Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhãn hàng hóa đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh được tăng cường…

Mặc dù hoạt động KH&CN đã đạt được kết quả, nhưng còn có những hạn chế nhất định: Hạ tầng KH&CN của tỉnh chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; nền kinh tế còn ở trình độ thấp, mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và các lợi ích ngắn hạn; nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về vai trò của KHCN&ĐMST chưa đầy đủ, toàn diện. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý trong lĩnh vực KHCN với các ngành, địa phương, đặc biệt là với cấp huyện chưa chặt chẽ; chưa có những chính sách hữu hiệu tạo động lực đối với cán bộ KH&CN và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, chế độ tiền lương còn nhiều bất hợp lý, không khuyến khích cán bộ KH&CN toàn tâm với sự nghiệp KH&CN.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, gắn bó chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN với sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội, góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ; phát huy vai trò của KHCN&ĐMST như là trụ cột quan trọng trong phát triển KT - XH nhanh và bền vững để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh đến năm 2025 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong thời gian tới, KH&CN cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới cơ chế, tăng cường vai trò quản lý của nhà nước về KHCN. Tập trung triển khai các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách về KH&CN đi vào nền nếp, có hiệu quả nhằm khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào KHCN&ĐMST; đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý tài chính KH&CN theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào lĩnh vực theo quy định.

Xác định rõ các chỉ tiêu, kế hoạch ứng dụng và phát triển KH&CN, đổi mới, sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, ngành, địa phương; đề xuất cơ chế phối hợp giữa ngành khoa học với các ngành, địa phương trong chuyển giao nhân rộng các kết quả nghiên cứu cũng như những phản hồi thuận lợi, khó khăn, bất cập để rút kinh nghiệm sửa chữa, nhằm nâng dần chất lượng nghiên cứu và kết quả ứng dụng; nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ phát triển KHCN tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KHCN.

Thứ hai, tập trung triển khai các định hướng nhiệm vụ KHCN chủ yếu; xây dựng và tổ chức thực hiện cũng như duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả và các chương trình phát triển KH&CN có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần vào phát triển KT - XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trọng tâm là du lịch, dịch vụ, nông nghiệp thông minh, kinh tế cửa khẩu. Ưu tiên các nhiệm vụ gắn với dự án sản xuất thử nghiệm và chuyển giao các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; điều chỉnh phân bổ ngân sách chi cho các nhiệm vụ KHCN.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư tăng cường tiềm lực KHCN; rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là các chuyên gia giỏi, cán bộ KH&CN trẻ tài năng. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng KH&CN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN của các tổ chức KH&CN công lập; gắn công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các viện, trường với chương trình đào tạo nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao của tỉnh, cử cán bộ khoa học của tỉnh tham gia các chương trình, dự án.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN; khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Cao Bằng. Đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo thông qua các phong trào tại cơ sở; đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc hữu, sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hợp tác với doanh nghiệp để bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ năm, tăng cường hợp tác về KHCN, tiếp tục hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước trên các lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao và đào tạo nhân lực KHCN gắn với các chương trình KHCN phục vụ phát triển KH - XH của tỉnh; phát huy thế mạnh của các đối tác vùng, tận dụng vị thế địa lý thuận lợi của tỉnh tiếp giáp trực tiếp với Trung Quốc để thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; mở rộng hợp tác và tăng cường thu hút nguồn vốn thực hiện các dự án liên tỉnh, liên vùng, xã hội hóa các nguồn vốn hợp pháp đầu tư cho KHCN...

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1