Cần, kiệm, liêm, chính là phong cách dân vận “khéo” nhất
Lượt xem: 4952

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con người, nhất là người cộng sản giữ cương vị lãnh đạo phải có bốn đức “Cần, kiệm, liêm, chính” và nhấn mạnh, thiếu một đức không thể thành người lãnh đạo, và chính Người là tấm gương sáng ngời nhất về thực hành bốn đức đó để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Đó chính là phong cách dân vận tuyệt vời nhất, “khéo” nhất.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con người, nhất là người cộng sản giữ cương vị lãnh đạo phải có bốn đức “Cần, kiệm, liêm, chính” và nhấn mạnh, thiếu một đức không thể thành người lãnh đạo, và chính Người là tấm gương sáng ngời nhất về thực hành bốn đức đó để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Đó chính là phong cách dân vận tuyệt vời nhất, “khéo” nhất.

bachovethamvinhphuc%20%281%29

Hồ Chủ tịch về thăm nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956). Ảnh: T.L

Bác thường nhắc nhở, chỉ bảo, khuyên răn cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền phải thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính. Nếu không thực hiện bốn đức đó thì sẽ mắc phải chứng bệnh chủ nghĩa cá nhân mà đã như vậy không thể làm công tác dân vận được. Bởi chủ nghĩa cá nhân “như là một thứ vi trùng rất độc, do đó sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, vị kỷ, cục bộ địa phương...”.

Qua các thời kỳ cách mạng, ta thấy rõ rằng sức mạnh của Đảng và Nhà nước ta bắt nguồn từ phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên, ở sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trước lúc đi xa, Bác vẫn đặc biệt lưu tâm đến hai điều cốt tử này. Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Ngoài những tư tưởng, phẩm chất, đạo đức trên trong phong cách dân vận của Người, chúng ta còn thấy sự gần gũi, chan hoà hiếm thấy của một vị lãnh tụ tối cao đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Phẩm chất sáng đẹp, lung linh ấy là sự kết tinh của tầm cao trí tuệ và lòng nhân ái, bao dung cao cả của Người. Phẩm chất cao đẹp đó kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút qua những năm tháng “nếm mật, nằm gai” vì nghĩa lớn của dân tộc đã tạo ra phong cách dân vận hiếm thấy của một bậc vĩ nhân. Điều giản dị mà vĩ đại ấy đó là gần dân, hiểu dân, liên hệ mật thiết với nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với dân, chia sẻ mọi vui, buồn với nhân dân với tất cả lòng vị tha và nhân ái bao la. Người từng nói: “.... một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên...”. Sự gần gũi, chan hoà ấy càng được thể hiện rõ, mỗi khi tiếp xúc với quần chúng, Người chỉ với đôi dép cao su, bộ quần áo ka-ki giản dị, với nụ cười hiền hậu và tấm lòng rộng mở. Người nói chuyện với đồng bào mình nơi bậc thềm nhà, trên cánh đồng hay bên cạnh những cỗ máy... Với thái độ niềm nở, Người ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên mọi người chuyên cần, hăng hái trong sản xuất, công tác và chỉ bảo cụ thể, rõ ràng về từng việc cần làm.

Yêu dân, gần dân, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là “người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Đồng thời, phê phán mạnh mẽ bệnh quan liêu, xa rời quần chúng. Người nhấn mạnh, những người mắc bệnh quan liêu không hiểu được rằng lực lượng của quần chúng nhiều vô cùng, nhiều lúc quần chúng giải quyết những công việc một cách đơn giản, nhanh chóng mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra. Vì vậy, làm bất cứ việc gì, to hoặc nhỏ phải xem xét kỹ lưỡng và làm cho hợp lòng dân, không được phép chỉ dùng mệnh lệnh, ép quần chúng làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cách làm việc như vậy sẽ không tránh khỏi thất bại, vì quần chúng không tin cậy, không đồng tình, thậm chí oán giận. Để tránh được bệnh quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, vì:“Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Đã là đảng viên, cán bộ, không ai là không liên quan đến công tác dân vận. Bài học của Người về cần, kiệm, liêm, chính là bài học dân vận tốt nhất, “khéo” nhất cho đến hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1