Cao Bằng: Kết quả sau hơn hai năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW
Lượt xem: 9136
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tích cực chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Chỉ thị 13-CT/TW và các văn bản có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với những người dân sống gần rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả được thực hiện như: bản tin; phóng sự; họp dân; ký cam kết với từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh...

Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tích cực chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Chỉ thị 13-CT/TW và các văn bản có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với những người dân sống gần rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả được thực hiện như: bản tin; phóng sự; họp dân; ký cam kết với từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh...

Ảnh minh họa

Để chỉ đạo sát việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 118-KH/TU ngày 24/3/2017 về triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh mới ban hành; trong đó có nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW;  các văn bản liên quan đến  công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… Đa số các địa phương, các ngành trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa Chỉ thị, nghị quyết thông qua quy hoạch, kế hoạch hành động để thực hiện.

Nhờ vậy, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có sự chuyển biến mạnh mẽ; nhận thức rõ hơn vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đồng thời, nắm vững các nội dung của Chỉ thị và chấp hành tốt các quy định về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn tài nguyên rừng; xuất hiện một số tấm gương người tốt, việc tốt trong thực hiện bảo vệ rừng được nêu gương. Vai trò giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường.

Từ khi có Chỉ thị 13 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả hơn. Năm 2017, diện tích đất có rừng là 547.157,46 ha, trong đó: rừng tự nhiên: 345.466,77 ha, rừng trồng: 16.289,09 ha; tỷ lệ che phủ rừng 54,0%. Năm 2018 diện tích đất có rừng là 364.689,3 ha; trong đó đất rừng tự nhiên là 348.269,34 ha, rừng trồng 16.419,96ha; tỷ lệ che phủ rừng là 54,43%. Diện tích đất có rừng ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp 13.380,4 ha.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2017 đến tháng 6/2019, các ngành có chức năng đã tiến hành kiểm tra 60 dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Công tác tuần tra chống chặt phá, khai thác, lấn chiếm đất rừng, buôn bán vận chuyển lâm sản, săn bắt bày bán các loại động thực vật rừng hoang dã được thực hiện thường xuyên, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật vê Lâm nghiệp, không để tình trạng điểm nóng gây bức xúc trong nhân dân. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm phát luật, từ năm 2017 đến tháng 7/2019, đã xử lý 265 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng: có 11 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, với tổng diện tích 161,54 ha, bao gồm: 6 dự án khai thác khoáng sản, với tổng diện tích 153,02 ha; 03 dự án thủy điện với tổng diện tích 5,66 ha; 02 dự án khác, với tổng diện tích 2,86 ha.

Tỉnh tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công tý lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ. Đến nay các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, UBND các xã, công ty, doanh nghiệp, HTX, đơn vị nhà nước phần lớn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý sử dụng ổn định, đúng mục đích.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng và dừng khai thác gỗ tự nhiên được quan tâm thực hiện. Từ năm 2017 đến tháng 7/2019 xảy ra 265 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; đã xử lý 223 vụ trong tổng số vụ vi phạm; trong đó, xử lý hình sự 16 vụ, xử phạt hành chính 207 vụ. phạt vi phạm hành chính trên 3 tỷ đồng. Tận thu, tận dụng 1.800,74 m3 gỗ thuộc diện tích giải phóng mặt bầng do mở rộng đường giao thông.

Hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng. Cao Bằng đã thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác song phương trong quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép lâm sản qua biên giới. Với sự hỗ trợ của tổ chức FFI, PRCF, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít Trùng Khánh, Cao Bằng và Khu bảo tồn Bang Lượng, Tịnh Tây, Quảng Tây đã ký kết bản ghi nhớ cùng bảo tồn loài vượn quý hiếm. Trên cơ sở Bản ghi nhớ, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn thông qua việc tuần rừng, hàng quý tổ chức giao ban tại mốc biên giới giữa 2 nước; 2 năm tổ chức hội nghị luân phiên về bảo tồn loài vượn Cao Vít và mở rộng sinh cảnh của chúng tại Cao Bằng ( Việt Nam) và Nam Ninh (Trung Quốc). Ngoài ra lực lượng kiểm lâm còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát khu vực giáp ranh với Trung Quốc, ngăn chặn hoạt động buôn lậu vận chuyển lâm sản trái phép qua biên giới.

Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại hạn chế là: một số chính quyền cơ sở chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp; do nhân dân các dân tộc ở vùng cao đa phần có trình độ dân trí thấp; thu nhập thấp; thiếu việc làm; nhu cầu sử dụng đất, lâm sản tăng do gia tăng dân số, mặc dù đã được phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng nhưng vẫn vi phạm do cuộc sống mưu sinh…

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cần: tiếp tục quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghị quyết số 09-NQ/TW và các quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, cơ chế chính sách về lâm nghiệp, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức cấp xã và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, nhằm tạo sự chuyển biến trong cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cương giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng liên quan. Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường phòng, chống cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Quản lý chặt chẽ việc cấp đăng ký kinh doanh và giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản, nhất là ở khu vực gần rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Duy trì, thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự. Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi giữa 3 loại rừng, tránh để lợi dụng khai thác lâm sản trái phép; không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về lâm nghiệp để tham mưu giúp cho địa phương về chuyên ngành quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, gắn với nhiệm vụ cho tổ chức, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn. Tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng về cảnh quan, tài nguyên rừng nhằm thu hút các nguồn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Xây dựng các giải pháp quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trong rừng đặc dụng và tăng cường xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Dương Liễu

  

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1